TNGT giảm nhờ mô hình “Thắp sáng đường làng, quốc lộ”
Mô hình “Thắp sáng đường làng, quốc lộ” đang được ngành chức năng Bình Định nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần kéo giảm TNGT.
Từ “Thắp sáng quốc lộ”
Trung tá Phạm Văn Nhật, Đội trưởng Đội Tuyên truyền và xử lý TNGT, Phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Định (PC67) cho biết, những năm trước, ban đêm, tại một số đoạn đường trên các tuyến quốc lộ qua Bình Định thường xảy ra TNGT bởi có nhiều điểm giao cắt phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là tầm nhìn của lái xe bị hạn chế vì thiếu đèn đường chiếu sáng. Trước thực trạng đó, Phòng CSGT Bình Định đã đề xuất thực hiện mô hình “Thắp sáng quốc lộ”, lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên một số đoạn đường thường xảy ra TNGT trên quốc lộ.
Ngày 15/4/2014, mô hình được thí điểm tại Km 1151+500 - Km1153 QL1 (qua xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn). Hơn 1,5km quốc lộ này, tại các trụ điện, cứ mỗi kilômét đầu tư khoảng 20 bóng đèn, dây điện với kinh phí khoảng 10 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Công trình được giao cho người dân trực tiếp quản lý, sử dụng và sửa chữa.
Tại Km 30+800 - Km36 (QL19, qua xã Bình Nghi, Tây Sơn, Bình Định) cũng được Phòng PC67 triển khai mô hình “Thắp sáng quốc lộ” hơn hai năm nay. Qua hai năm triển khai mô hình, xã Bình Nghi không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào. “Đến nay, mô hình “Thắp sáng quốc lộ” đã được triển khai trên gần 14km quốc lộ ở năm huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh và TX An Nhơn”, Trung tá Nhật nói.
Đến “Thắp sáng đường làng”
Từ thành công của mô hình “Thắp sáng quốc lộ”, Phòng PC67 tiếp tục vận động các địa phương nhân rộng mô hình “Thắp sáng đường quê”. Ông Lê Hà Phương, Trưởng thôn 3 xã Bình Nghi nhớ lại: Khi chưa có đèn đường, việc tham gia giao thông vào ban đêm tại đây khá phức tạp, đường nhỏ lại tối, rất dễ xảy ra TNGT, nạn trộm cắp hoành hành.
"Thắp sáng quốc lộ” và “Thắp sáng đường quê” là những mô hình thiết thực, phát huy hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo ATGT và ANTT tại các địa phương. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Bình Định có những chuyển biến tích cực, tiếp tục giảm mạnh về số vụTNGT và số người bị thương…”. Ông Nguyễn Văn Chiến |
Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghi cho biết, năm 2013, Hội Nông dân xã đề xuất thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê” và được người dân toàn xã đồng thuận. Vậy là trên các tuyến đường liên thôn, cứ 50m có một trụ điện được lắp một bóng đèn. Chi phí lắp mỗi bóng đèn và dây điện khoảng 250 nghìn đồng do người dân tự nguyện đóng góp. Mỗi tháng, người dân căn cứ theo số điện báo ở đồng hồ bên dưới mà chi trả tiền điện. Đến nay, 7/7 thôn của xã đã áp dụng mô hình này.
“Từ khi có đèn điện thắp sáng, người dân rất yên tâm khi ra đường vào buổi tối, nạn trộm cắp cũng mất hẳn”, ông Thuận nói.
Tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), mô hình “Thắp sáng đường quê” được triển khai từ hai năm nay. Cả xã có hơn 2km đường tại thôn Trung Thành và thôn Đại Tín được lắp đèn chiếu sáng. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó công an xã Phước Lộc chia sẻ: “Từ ngày “điện hóa” các tuyến đường làng, không có vụ TNGT nào xảy ra, ANTT tại địa phương cũng được đảm bảo”.
Nhờ triển khai hiệu quả mô hình, TNGT tại nhiều địa phương đã giảm sâu cả ba tiêu chí. Đơn cử, huyện Tây Sơn trong 6 tháng đầu năm 2016 xảy ra 5 vụ TNGT, làm 4 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kì năm trước giảm 3 vụ, giảm 2 người chết và 3 người bị thương; TX An Nhơn chỉ xảy ra 1 vụ TNGT (giảm 4 vụ), 1 người chết (giảm 2 người chết)…
Ngoài ra, từ tháng 9/2014, hơn 500m đường tại thôn Phong Tấn (xã Phước Lộc) đã được triển khai mô hình “Đoạn đường tự quản về ATGT”. Đội tự quản gồm có Bí thư, Phó bí thư Đoàn xã, Công an xã và 11 bí thư chi đoàn có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT; Cứ 3 tháng tổ chức phát quang cây cối che khuất tầm nhìn; Khi xảy ra TNGT thì bảo vệ hiện trường, sơ, cấp cứu người bị thương. Gần hai năm qua, trên đoạn đường tự quản này chưa xảy ra TNGT.
Theo Vĩnh Nhân (Báo Giao thông)