Những điều lưu ý khi sử dụng phanh xe máy
Phanh xe là một kỹ thuật rất cơ bản đối với người điều khiển xe gắn máy khi cần giảm tốc. Tuy nhiên, một số kiến thức như nên dùng phanh chân hay phanh tay, nơi nào thì không được sử dụng phanh, khi đi hai người thì kỹ thuật phanh phải điều phối thế nào….thì không phải ai cũng nắm rõ.
Việc sử dụng phanh thành thạo và có hiệu quả là kỹ năng quan trọng để đảm bảo lái xe an toàn. Trong thực tế, không ít các trường hợp tai nạn xảy ra do cách sử dụng phanh của người điều khiển như phanh quá đột ngột, khiến xe phía sau không kịp xử lý và gây ra va chạm; phanh gấp làm trượt xe, chệch hướng tay lái, đâm vào phương tiện khác; phanh vào đường cua, bị ngã xe...
Sau đây là một số hướng dẫn về kỹ thuật phanh xe gắn máy an toàn.
Phanh trước và phanh sau
Khi phanh, trọng lượng xe dồn về phía trước làm tăng tải trọng lên bánh xe trước, điều này có nghĩa là khi phanh lực ma sát của bánh trước lớn hơn bánh sau.
Việc sử dụng riêng phanh trước sẽ tạo ra lực ma sát lớn, tuy nhiên rất nguy hiểm, đặc biệt khi phanh chết bánh xe trước có thể làm văng xe, bị đổ xe. Còn chỉ sử dụng phanh sau thì lực ma sát yếu hơn do đó xe sẽ trượt đi dài hơn khi phanh. Về cự ly dừng thì khi sử dụng kết hợp cả 2 phanh cùng một lúc là ngắn nhất so với sử dụng độc lập phanh trước hoặc phanh sau.
Do vậy phải sử dụng cả 2 phanh sau và phanh trước cùng một lúc để đạt được hiệu quả phanh cao nhất cho dù ở bất cứ loại đường nào. Tuy nhiên, không nên phanh chết bánh xe vì xe có thể bị văng đi mà người lái không thể điều khiển được.
Không phanh xe khi đi vòng rẽ
Trình tự phanh:
1. Về hết ga.
2. Dùng đồng thời cả phanh sau và phanh trước cùng một lúc
3. Đầu tiên phanh nhẹ sau đó tăng dần lực phanh.
4. Tiếp tục phanh cho đến khi xe dừng hẳn nếu cần thiết.
5. Bóp côn khi xe sắp dừng hẳn (nếu có tay côn).
6.Chống chân trái xuống đất trong khi chân phải tiếp tục phanh.
|
Kỹ năng phanh xe khi đi hai người
Phanh xe khi đi hai người cần chú ý những điều sau:
+ Do có thêm người ngồi phía sau nên sự thay đổi tư thế ngồi của người ngồi sau gây khó khăn cho người điều khiển xe nên khi xuất phát phải báo cho người ngồi sau biết để có tâm lý sẵn sàng. Tốt nhất yêu cầu tay và đầu gối người ngồi sau nên giữ chặt lấy người ngồi trước để tạo thành một khối thống nhất.
+ Khi phanh, người lái xe sẽ phải chịu trọng lực của người ngồi sau dồn về phía trước, nên phải phanh nhẹ hơn và cho phép cự ly dừng lớn hơn chứ không thể phanh mạnh để rút ngắn cự ly dừng được (có khoảng trống dự phòng để phanh khi đi hai người).
+ Do có thêm trọng lượng của người ngồi sau lên bánh sau nên có thể phanh phanh sau mạnh hơn so với khi chỉ đi một người để rút ngắn cự ly dừng.
* Thông tin bài viết tham khảo từ Giáo trình đào tạo người lái xe mô tô hai bánh của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.