BAN ATGT

13 đơn vị, DN vận tải giảm giá cước

Ðến hết ngày 11.9, Sở Tài chính đã tiếp nhận 16 hồ sơ kê khai lại giá cước vận tải, trong đó có 13 đơn vị thực hiện giảm giá cước. Ngày mai (15.9) là thời hạn cuối cùng Sở Tài chính yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn phải kê khai lại giá cước phù hợp với tỉ lệ giảm của giá xăng dầu.

Mức giảm cao nhất là 30.000 đồng/vé/lượt

Trong 13 đơn vị, DN kinh doanh vận tải thực hiện kê khai áp dụng giảm giá cước vận tải, ở loại hình kinh doanh vận tải hành khách (KDVTHK) bằng taxi có 3 đơn vị giảm giá cước từ 300 - 1.000 đồng/km (tỉ lệ 2,6 - 9,1%); loại hình KDVTHK bằng xe buýt theo tuyến cố định có 1 đơn vị giảm giá 1.000 đồng/vé/lượt đối với một số tuyến (tỉ lệ 2,7 - 6,66%); 9 đơn vị còn lại thuộc loại hình KDVTHK bằng ô tô theo tuyến cố định giảm từ 2.000 - 30.000 đồng/vé/lượt (tỉ lệ 2,06 - 14,28%).

Có 3 đơn vị thực hiện kê khai giảm giá cước ngay trước thời điểm Sở Tài chính ra “tối hậu thư”. Trong đó có cước taxi của Công ty TNHH MTV Mai Linh Bình Định, đã được áp giá mới từ ngày 11.9 vừa qua, với mức giảm giá cước từ 300-500 đồng/km cho hai dòng xe 4 chỗ và 7 chỗ (tỉ lệ 2,6 - 4,2%).

Theo tính toán của cơ quan thẩm định giá, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35-40% trong tổng chi phí cước vận tải. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý giá - Công sản (thuộc Sở Tài chính) cho biết, việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải do các DN vận tải thực hiện trên cơ sở tính toán chi phí đầu vào, nhưng phải tương ứng với mức điều chỉnh giảm của nhiên liệu.

Ở lần điều chỉnh này, có một số đơn vị vận tải hành khách liên tuyến giảm ở mức 10.000 - 20.000 đồng/vé/lượt. Thông tin từ HTX Vận tải Hoài Nhơn (huyện Hoài Nhơn), hồ sơ đăng ký kê khai giảm giá cước vận tải các tuyến liên tỉnh đã được đơn vị gửi lên Sở Tài chính. Nếu được chấp nhận thì từ ngày 15.9, giá vé vận tải hành khách các tuyến từ Hoài Nhơn đi 13 tuyến ngoại tỉnh giảm từ 5.000 - 20.000 đồng/vé/lượt cho cả vé ghế ngồi và giường nằm. Trong đó, các tuyến Hoài Nhơn đi TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vũng Tàu có mức giảm cao nhất là 20.000 đồng/vé/lượt.  

Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH Bến xe Phù Cát (huyện Phù Cát) dẫn đầu mức giảm giá cước ở tuyến đường dài đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại, với mức giảm 30.000 đồng/vé/lượt. Đây là lần giảm giá cước thứ hai của đơn vị này. Cụ thể, đầu năm nay giá vé đã được điều chỉnh từ 345 ngàn đồng/vé/lượt xuống còn 310 ngàn đồng/vé/lượt và từ tháng 9 này, tiếp tục giảm còn 280 ngàn đồng/vé/lượt. Chị Võ Thị Hương, phụ trách bộ phận điều hành vận tải của Công ty cho hay, cộng gộp các lần điều chỉnh giá nhiên liệu thì với mức giá xăng như hiện nay, Công ty đã sẵn sàng cho việc điều chỉnh giảm sâu giá cước vận tải.

Rất khó chấp nhận “chây ỳ” giảm giá cước

Đến nay, đã có 3 DN nộp hồ sơ kê khai giữ nguyên giá cước vận tải với Sở Tài chính. Lý do đưa ra là các DN này đã “giữ” giá kể cả khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng cao ở các lần trước trong năm 2015 và các khoản chi phí khác đều tăng. Việc giữ nguyên mức giá ở lần kê khai này theo các đơn vị là phù hợp so với mặt bằng giá vé tuyến cố định.

Như vậy, toàn tỉnh hiện vẫn còn 23 đơn vị, DN KDVTHK bằng taxi, xe buýt và ô tô theo tuyến cố định vẫn chưa thực hiện lại việc kê khai giá cước. Phía các đơn vị khai thác bến cũng chưa nhận được thông báo giảm giá cước của các đơn vị KDVTHK. Theo ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Bình Định, tại Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn có khoảng 50 đơn vị, DN khai thác các tuyến liên tỉnh và nội tỉnh, phần lớn trong số này là ủy thác bán vé cho công ty; song đến nay công ty chưa nhận được văn bản điều chỉnh giá cước vận tải của đơn vị nào.

Theo một số DN KDVTHK trên địa bàn Bình Định, việc giảm giá cước vận tải chưa được thực hiện ngay khi giá xăng, dầu trong nước giảm ở những lần điều chỉnh trước là do khi tăng hoặc giảm giá cước, DN phải chủ động in lại vé, hóa đơn vận tải với số lượng lớn, gây tốn kém nhiều chi phí. Đối với taxi, DN phải tiến hành tháo kẹp chì để điều chỉnh lại giá cước, sau đó phải đưa xe đi kiểm định lại đồng hồ và kẹp chì, dán tem kiểm định.

Một chủ DN vận tải khai thác tuyến Quy Nhơn- TP Hồ Chí Minh cho biết, việc DN vận tải không giảm cước không phải là “chây ỳ” hay “bất hợp lý”. Chủ DN này lý giải, không giống giá xăng dầu dễ dàng điều chỉnh, mỗi khi DN điều chỉnh cước lại tốn thêm hàng loạt chi phí điều chỉnh khác...

Trong khi đó, ở khía cạnh cơ quan quản lý giá, một đại diện của Sở Tài chính cho rằng, thị trường vận tải hoạt động theo hình thức cạnh tranh nên Nhà nước không thể định giá. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu đã nhiều lần giảm mà cước vận tải không giảm là “rất vô lý” và “không thể chấp nhận được”.

Theo Báo Bình Định

A- A A+