Phụ phí “cắt cổ” doanh nghiệp: Trông chờ Bộ GTVT
Các doanh nghiệp Việt đang phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm trong nỗi “ấm ức”, do hàng chục loại phụ phí cảng biển được các hàng tàu đặt ra một cách tùy tiện và phi lý.
Thu tùy tiện, cao ngất ngưởng
Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 20 loại phí và phụ phí mà các hãng tàu đang thu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản. Trong đó, có rất nhiều loại phí, phụ phí bất hợp lý.
Chẳng hạn, phí dịch vụ xếp dỡ container tại cảng, dao động từ khoảng khoảng 90USD - 210USD/container. Những phí này hãng tàu thu trực tiếp từ doanh nghiệp rồi nộp cho cảng nhưng mức thu này cao hơn nhiều so với mức nộp cho cảng (chỉ 20-40 USD/container). Cũng về loại phí này, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng đây là mức phí cao ngất ngưởng “không thể chấp nhận”.
Theo các chuyên gia, nhiều loại phí doanh nghiệp phải trả mặc dù không hề có liên quan. Chẳng hạn, phí mất cân đối container phát sinh khi có sự mất cân đối vỏ container trên thế giới, điều này không liên quan gì đến doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn phải gánh khoảng 50 USD-100 USD mỗi container và các hãng tàu đã thu liên tục từ năm 2010 đến nay.
Tương tự là phí sửa chữa vỏ container. Mặc dù phí này đã được tính vào phí khấu hao tài sản trong quá trình kinh doanh nhưng các hãng tàu vẫn thu của chủ hàng Việt Nam.
Hơn nữa, nhiều loại phụ phí còn được thu tới hai lần. Chẳng hạn, với phí mất cân đối vỏ container, với hàng nhập về Việt Nam, nếu phát sinh phí thì chủ hàng xuất tại nước ngoài sẽ phải chịu, nhưng nhưng khi hàng về đến Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam lại phải trả thêm một lần nữa cho hãng tàu. Cũng như vậy, phí vệ sinh container với lý do hàng hóa bốc xếp gây bẩn có khi lên đến khoảng 2,5 triệu đồng/cont, người thuê trước làm bẩn vỏ container đã trả rồi nhưng người thuê mới cũng phải trả phí đó.
Các hãng tàu liên tục tìm ra những lý do để thu thêm các loại phụ phí. Ví dụ sau sự cố tắc nghẽn tại Cát Lái, quý II/2014, Tổng Công ty Tân Cảng đã có văn bản thông báo cảng đã ổn định nhưng các hãng tàu vẫn tiếp tục thu phí tắc nghẽn. Thậm chí, một số hãng tàu còn thông báo tiếp tục thu trong thời gian hết tắc nghẽn tại nhiều cảng chứ không riêng tại cảng Cát Lái. Mặc dù, Cục Hàng hải đã có văn bản yêu dừng thu phí loại phí này.
Hoặc, hàng xuất khẩu phải chịu thêm phí truyền dữ liệu nhưng chỉ cần chi tiết sai khi đã phát hành bill thì chỉnh sửa phải chịu phí 30 USD/bộ…
Theo tính toán Hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Da - Giầy, các khoản phụ phí mà các hãng tàu biển áp dụng thu đối với việc vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm tới 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Như vậy, tổng số tiền mà mỗi ngành này phải trả cho các loại phí từ 110-150 triệu USD/năm, tương đương 2.200-3.000 tỷ đồng. Chưa hết, giá các loại phí, phụ phí cũng tăng trung bình 20%/năm.
Sao doanh nghiệp “ngậm bồ hòn”?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang phải gánh 70 loại phụ phí vận tải biển. Trong 2 năm 2013-104, các doanh nghiệp phải chi 13 nghìn tỷ đồng cho phí dịch vụ xếp dỡ container phụ phí xăng dầu gần 5,5 nghìn tỷ đồng, phí lưu bãi container gần 1,6 nghìn tỷ đồng... |
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia hải quan Phạm Thanh Bình cho biết trước đây các hãng tàu đưa các loại phí, phụ phí này vào trong giá cước. Nay, để chào giá cước cạnh tranh, các hãng đua nhau hạ cước xuống, thậm chí xuống mức bằng 0, nhưng bù lại, các hãng đặt ra đủ thứ phí, phụ phí tùy tiện, không minh bạch.
Chẳng hạn, phí mất cân đối vỏ container, nếu sòng phẳng thì hãng tàu phải tuyên bố rằng đang thiếu vỏ nên doanh nghiệp phải chịu giá cước cao. Nhưng họ không dám nói vì liên quan đến cạnh tranh, nên các hãng tàu chuyển sang gọi là phụ phí. “Giá cước rất thấp, thậm chí những chặng ngắn đi Hồng Kông, Singapore hay Thượng Hải thì cước thấp lại hơn nhiều so với phụ phí. Gọi là phụ nhưng thực chất lại là chính”, ông Bình nói.
Vấn đề đặt ra là tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại chấp nhận sự “chèn ép” như vậy từ các hãng tàu. Đại diện Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, nguyên nhân do thị phần vận tải của đội tàu trong nước chỉ chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, còn lại do đội tàu nước ngoài đảm nhận.
Theo chuyên gia Phạm Thanh Bình, các doanh nghiệp Việt Nam hiện không có nhiều lựa chọn, tức là quan hệ không bình đẳng giữa doanh nghiệp và hãng tàu. Các doanh nghiệp Việt ở thế bị động, phải chi trả các khoản phụ phí theo mức thu mà hãng tàu áp đặt, không được quyền đàm phán, thỏa thuận. Bên cạnh đó, cũng có thực tế là bản thân nhiều doanh nghiệp cũng không hiểu rõ ngọn ngành từng loại phí, phụ phí, hãng tàu thu thì nộp. “Các doanh nghiệp nộp nhưng rất ấm ức vì các khoản thu không minh bạch, thiếu rõ ràng và ở đây cần vai trò của nhà nước”, ông Bình nói.
Chính phủ đã nhận thấy vấn đề này và tại Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp hợp lý kiểm soát việc thu phụ phí của các hãng tàu, ngăn chặn việc các hãng tàu áp đặt các loại phí một cách tuỳ tiện. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ này phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm công khai minh bạch về cước và phụ cước.
Đến nay, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác liên ngành về việc các hãng tàu biển nước ngoài thu phí, phụ phí bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tại buổi đối thoại doanh nghiệp cảng biển hồi tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đồng loạt, thường xuyên doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển đồng thời sẽ đưa những chế tài kiểm soát các loại phí, phụ phí trong sửa đổi Luật Hàng hải Việt Nam.
Thêm nữa, Bộ GTVT cũng cho biết sẽ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu quy định Việt Nam và quốc tế để xem xét các doanh nghiệp vận tải có vi phạm luật cạnh tranh, thế độc quyền thống lĩnh thị trường hay không. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành kiểm tra việc thu phí, các loại phụ phí, cước vận tải biển với các hãng tàu biển nước ngoài.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ KHĐT về tình hình triển khai Nghị quyết 19, cho đến ngày 19/6 vừa qua, vẫn chưa có thông tin về kết quả Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong khi đó, bản tin kinh tế - dệt may tháng 6/2015 của Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, gần đây các doanh nghiệp lại phản ánh các phí và phụ phí đang tiếp tục “leo thang” với lí do... các hãng tàu, đại lý giao nhận đang thực hiện việc "thu hộ, chi hộ" cho các hãng tàu nước ngoài.
Theo chuyên gia Phạm Thanh Bình, phụ phí cảng biển đang là vấn đề rất nan giải, nhưng hoàn toàn nằm trong khả năng quản lý của nhà nước. Hiện, các doanh nghiệp đang trông chờ động thái mạnh mẽ và hiệu quả từ phía cơ quan quản lý, mà trước hết là Bộ GTVT.
Theo Hà Chính (Chinhphu.vn)