BAN ATGT

Thực hiện Nghị định 67/CP: Chuyển biến tích cực

Sau cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với ngư dân và các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia Nghị định (NÐ) 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản diễn ra vào đầu tháng 5.2016 tại huyện Hoài Nhơn, tiến độ thực hiện NÐ 67 tại tỉnh ta đã chuyển biến tích cực.

Tàu cá vỏ sắt Lady ThuyS công suất trên 800 CV của ngư dân Lê Văn Thiểu, ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn).

Nhiều ngư dân được vay vốn đóng tàu cá mới

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, bên cạnh việc xem xét, thẩm định, phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu theo tinh thần NĐ 67/CP, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển làm việc với các NHTM tham gia thực hiện NĐ 67 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và hướng dẫn ngư dân hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn đóng tàu mới. Qua đó, nhiều hợp đồng tín dụng vay vốn của ngư dân đã được các NHTM giải quyết.

Riêng tại huyện Hoài Nhơn, đến nay, có 106 ngư dân đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới 66 tàu cá vỏ thép, 5 tàu cá vỏ composite, 35 tàu cá vỏ gỗ theo tinh thần NĐ 67/CP, đạt 96,4% so với kế hoạch. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Hiện có 2 ngư dân ở xã Hoài Hương và Tam Quan Nam đã tiếp nhận tàu cá vỏ thép từ các cơ sở đóng tàu trong nước. Ngoài ra, có 8 tàu cá vỏ thép khác đã được hạ thủy và trên 10 tàu cá vỏ thép và vỏ gỗ của ngư dân đang đóng dở dang. Còn một số hồ sơ vay vốn của ngư dân đang được các NHTM xem xét, giải quyết. Chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên theo tinh thần NĐ 67/CP cũng đã được triển khai và đạt kết quả khả quan. Nhìn chung, tiến độ thực hiện NĐ 67/CP tại Hoài Nhơn tốt hơn trước.

Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn cũng đã triển khai nhiều biện pháp, từng bước cụ thể hóa chính sách phát triển thủy sản theo NĐ 67/CP. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT), cho biết: Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 9 đợt danh sách gồm 209 ngư dân ở Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn đủ điều kiện vay vốn đóng mới 131 tàu cá vỏ thép, 67 tàu vỏ gỗ và 11 tàu vỏ composite hành nghề câu, lưới rê, lưới vây, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, đạt 68,5% tổng số tàu cá đóng mới được Bộ NN&PTNT phân bổ cho tỉnh.

Cũng theo ông Bình, tiến độ giải ngân cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá đã có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 51 ngư dân đã được các NHTM giải ngân 397 tỉ đồng và đã ký hợp đồng với các cơ sở đóng tàu trong nước đóng mới 44 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 3 tàu vỏ composite. Trong số 28 tàu cá đã hoàn thành và hạ thủy, có 12 tàu (10 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã được các cơ sở đóng tàu bàn giao cho ngư dân huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn để vươn khơi bám biển. Về thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá và thuyền viên theo tinh thần NĐ 67/CP, đến nay ngân sách nhà nước đã hỗ trợ phí bảo hiểm cho ngư dân với tổng số tiền gần 32,49 tỉ đồng. So với các tỉnh thành trong nước tham gia NĐ 67/CP, tỉnh ta dẫn đầu về số tiền ngư dân đã được vay từ các NHTM và số lượng tàu cá đóng mới. 

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện NÐ 67

Theo Sở NN&PTNT, tuy tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần
NĐ 67/CP, nhưng khách quan nhìn nhận, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu là do một số ngư dân sau khi được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá đã xin chuyển nghề, thay đổi vật liệu đóng tàu, nên phải làm lại phương án sản xuất kinh doanh để thẩm định, phê duyệt lại. Nhiều ngư dân còn phân vân trong việc lựa chọn thiết kế, máy móc, trang thiết bị, dụng cụ trên tàu hoặc phân vân việc hoàn trả nợ vay, nên chưa tiếp cận các NHTM đã làm chậm tiến độ thực hiện chung của cả tỉnh.

Về phía NHTM, mức phán quyết cho vay của giám đốc các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh đối với khách hàng là cá nhân chỉ từ 2-3 tỉ đồng trở xuống, trong khi vốn vay đóng tàu mới của ngư dân khá lớn, nên các chi nhánh phải trình hồ sơ vay vốn của ngư dân về hội sở chính để phê duyệt, đã kéo dài thời gian xem xét, giải quyết vốn vay cho ngư dân. Một số NHTM chưa thực sự gắn kết với ngư dân trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết vốn vay theo tinh thần NĐ 67/CP, làm hạn chế việc cụ thể hóa chính sách hỗ trợ của Nhà nước tại các địa phương.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện NĐ 67 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương cùng các NHTM tiếp xúc với bà con ngư dân để tuyên truyền vận động, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân lựa chọn thiết kế mẫu tàu, cơ sở đóng tàu và hoàn thành thủ tục hồ sơ vay vốn đóng tàu mới. Kịp thời nắm bắt thông tin phản hồi từ ngư dân về những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện NĐ 67/CP, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Sở NN&PTNT tiếp tục xây dựng và công bố các mẫu tàu vỏ gỗ theo các ngành nghề khai thác của ngư dân đã đăng ký, đảm bảo đủ số lượng thiết kế mẫu tàu để ngư dân lựa chọn. Tổ chức đào tạo các lớp tập huấn hướng dẫn ngư dân vận hành tàu cá công suất lớn bằng vật liệu mới và áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu, đồng thời xây dựng thêm các mô hình liên kết khai thác, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản trên biển. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư, nâng cấp các khu neo đậu tránh trú bão, các cảng cá cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá và tiêu thụ sản phẩm.    

Theo Phạm Tiến Sỹ (baobinhdinh.com.vn)

A- A A+