BAN ATGT

Tăng mức xử phạt với nhiều lỗi vi phạm Luật Giao thông

Ngày 26.5.2016, Chính phủ ban hành Nghị định (NÐ) số 46/2016/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thay thế NÐ 171/2013/NÐ-CP và NÐ 107/2014/NÐ-CP của Chính phủ. NÐ 46 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2016, với nhiều điểm mới, đặc biệt sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt.

Nhiều điểm mới

NĐ 46/2016/NĐ-CP gồm 5 chương và 82 điều, tăng 4 điều so với NĐ 171. NĐ 46 đã điều chỉnh mức xử phạt đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm: Nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, vi phạm chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện, vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông.

Cụ thể, với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, NĐ 46 tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của người điều khiển ô tô từ 10 - 15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng; vi phạm ở mức 3 bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng. Hành vi người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc bị phạt tiền 500 ngàn - 1 triệu đồng thay vì mức 200 - 400 ngàn đồng trước đây.

NĐ 46 cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng; mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây TNGT sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng.

Đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe).

NĐ 46 tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150%. Mức phạt cao nhất đối với trường hợp lái xe chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định (theo NĐ 171, hành vi này chỉ bị xử phạt 7 - 8 triệu đồng). Đối với chủ phương tiện, phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng đối với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.

Về hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường sắt, NĐ 46 sửa đổi, bổ sung, mô tả để làm rõ hơn đối với 70 hành vi và nhóm hành vi vi phạm; bổ sung quy định xử phạt đối với 32 hành vi, nhóm hành vi vi phạm chưa quy định trong NĐ hiện hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Tập trung quán triệt, triển khai NÐ 46

Ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo NĐ 171/2013/NĐ-CP ngày 13.4.2013 và NĐ 107/2014/NĐ-CP ngày 17.11.2014 của Chính phủ.

Tuy nhiên, chế tài xử phạt trên lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các nhóm hành vi vi phạm chưa đủ mạnh, mức phạt thấp, chưa đủ sức răn đe người vi phạm, dẫn đến tỉ lệ vi phạm còn cao. Bên cạnh đó, NĐ 171 và NĐ 107 quy định hành vi và nhóm hành vi vi phạm cũng như đối tượng vi phạm chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến khó khăn cho người thực thi nhiệm vụ.

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5.4.2015 của Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo trên cơ sở đánh giá, tổng kết NĐ 171/2013/NĐ-CP và NĐ 107/2014/NĐ-CP để ban hành NĐ 46/2016/NĐ-CP ngày 26.5.2016, nhằm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; từ đó, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ.

Nhằm giúp các tổ chức, cá nhân nắm được các nội dung chính của NĐ 46, thời gian qua, Sở GTVT đã tổ chức phổ biến, triển khai NĐ đến các doanh nghiệp cảng biển, mỏ khai thác cung ứng vật liệu, xếp dỡ hàng hóa, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh về những điểm mới của NĐ 46 để người dân nắm bắt, chấp hành nghiêm túc trong quá trình tham gia giao thông.

Ngoài ra, Sở GTVT đã thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải về các điểm mới trong NĐ 46. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, người tham gia giao thông nắm vững những quy định của NĐ 46, chấp hành tốt các quy định về Luật Giao thông đường bộ, đường sắt.

Theo Nguyễn Hân (baobinhdinh)

A- A A+