BAN ATGT

Phó Thủ tướng: “Kéo giảm người chết vì TNGT xuống còn 5.000 người”

Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm TTATGT giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020 tại Hà Nội ngày 8/12 cho thấy, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã trở thành phong trào thi đua của các địa phương, giữa các địa phương, như một hiệu ứng dây chuyền của cả xã hội để kéo giảm TNGT.

Ùn tắc tại tp. Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh có xu hướng cải thiện

Đánh giá về trật tự an toàn giao thông trong 5 năm qua tại hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2011-2015 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 vào sáng 8/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đảm bảo an toàn giao thông đã mang lại kết quả tích cực...

Cụ thể, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh (khoảng 85%), đặc biệt là số xe chở quá tải trọng trên 100% đã giảm nhiều; ý thức tự giác của người dân chấp hành đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy và xe đạp điện; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến.

Theo Đại tá Phạm Văn Cao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, từ năm 2012-2015, địa phương giảm tai nạn giao thông nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Hàng tháng, các vụ tai nạn giao thông đều được báo cáo lên Bí thư tỉnh, các ban ngành, đặc biệt gắn trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

“Tai nạn giao thông đưa vào chỉ tiêu khen thưởng hàng năm của các đơn vị, gắn đánh giá chất lượng cán bộ Cảnh sát giao thông phụ trách tuyến đường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị tăng nặng hình phạt và tăng mức phạt tại chỗ cho Cảnh sát giao thông được nâng lên... bất cập tổ chức giao thông liên quan đến các công trình giao thông phải đẩy nhanh, xử lý dứt điểm; nâng cấp camera xử phạt nguội; hỗ trợ Ban An toàn giao thông xã về mặt kinh phí tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông,” Đại tá Phạm Văn Cao cho hay.

Ông Y Puăt Tơr, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk chỉ ra những tồn tại về giao thông của địa phương, hiện tỉnh đang quản lý 78.000 xe công nông. Chỉ tính riêng năm 2015 đã đăng ký mới 34.000 chiếc công công, phục vụ sản xuất công nông nghiệp. Đây là một thách thức lớn với tỉnh về công tác đảm bảo an toàn giao thông.

“Để phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh cần có lộ trình đầu tư các tuyến đường ngang vì đa số đã xuống cấp, đường hẹp tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao,” ông Y Puăt Tơr nói.

Thừa nhận lưu lượng xe tăng nhanh, hạ tầng chưa đáp ứng trong khi lượng người tham gia giao thông đông nên chịu áp lực rất lớn về giao thông, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra giải pháp về lâu dài, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải phát triển vận tải khách công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thi, giảm lượng phương tiện cá nhân đồng thời di chuyển các nhà máy, bệnh viện, trường hợp ra khỏi nội đô để giảm lưu lượng người vào nội đô. Đây là những giải pháp căn cơ giảm ùn tăc giao thông trên địa bàn thủ đô.

Bổ sung thêm, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đưa ra con số, Hà Nội đăng ký hộ khẩu chính thức là trên 7 triệu, nhưng người lưu hành là trên 10 triệu kéo theo đó là phương tiện giao thông và các dịch vụ khác, trong khi đó đường nội đô không mở rộng được nhiều gây áp lực rất lớn. Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký hộ khẩu 8 triệu, nhưng lưu lượng về từ 11-12 triệu người. Cảng Cát Lái một ngày có tới 16.000 xe với tải trọng lớn ra vào, rất khó tránh tình trạng ùn tắc.

“Hiện, cả nước có khoảng 4 triệu xe ô tô và trên 40 triệu xe môtô. Xe máy điện cũng chưa quản lý được, bình ắc quy xe máy điện nay mai sẽ thành bãi rác. Hạ tầng không tăng nhưng phương tiện và tần suất phương tiện tham gia tăng, giải bài toán giao thông này rất khó,” Thiếu tướng Trần Sơn Hà khẳng định.

Kéo giảm 5.000 người chết/năm

Chỉ ra những khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho biết, tình trạng người vi phạm giao thông chống người thi hành công vụ không giảm, gần 250 vụ chống lực lượng Cảnh sát giao thông làm gần 100 đồng chí bị thương, có đồng chí bị thương rất nặng trong những năm qua.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Cục Cảnh sát giao thông tiết lộ, việc nợ nghỉ phép của cán bộ chiến sỹ rất nhiều vì phải huy động tổng thể lực lượng, từ công an chính quy đến lực lượng cán bộ phường xã để tham gia đảm bao giao thông, căng hết sức, làm trong nhiều giờ, có đồng chí ngày làm 10-12 tiếng, một tháng chỉ được nghỉ mỗi ngày Chủ nhật.

“Dự báo nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ là điểm chính trong năm 2016 vì nước ta đã vào TPP, lượng xe ôtô giảm thuế nhập khẩu sẽ được đưa về tại các thành phố lớn. Hiện, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều công trình đang thi công nhưng kéo dài, cần xem xét lại năng lực các nhà thầu,” Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho hay.

Nhìn nhận yếu tố quan trọng nhất của các vi phạm giao thông vẫn là con người, Thiếu tướng Trần Sơn Hà đánh giá nhiều năm nay, việc  đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, quản lý lái xe sau đào tạo cũng bị buông lỏng. Do đó, chế tài phải mạnh mới giảm được tai nạn giao thông.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, năm 2015 dù giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông nhưng còn nhiều bất cập, phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, số người chết vẫn còn lớn (9.000 người chết); xử lý xe chở quá tải có nhiều tiến bộ, giảm 85% nhưng còn 15% quá tải, tàn phá đường. Đặc biệt, các ngành đường bộ ,đường sắt, thủy, hàng không đều có những vi phạm.

“Một đất nước mà để chết tới 9.000 người/năm vì tai nạn giao thông là vẫn còn rất cao. Chúng ta phải giảm hơn nữa số người chết vì tai nạn giao thông, tiếp tục kéo giảm ùn tắc tại các thành phố lớn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Bên cạnh giáo dục chính trị tư tưởng trong từng đoàn thể, gia đình, người dân thì tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm vi phạm rất quan trọng răn đe. Các tỉnh có điều kiện giống nhau nhưng hình phạt khác nhau, không khuyến khích các tỉnh xử phạt nhiều nhưng do ý thức quá kém nên phải tăng cường, phải làm mạnh mẽ hơn,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương đều phải tổ chức đánh giá tìm biện pháp căn cơ để toàn quốc kéo giảm số người chết tai nạn giao thông xuống 5.000 người trong giai đoạn 2016-2020.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng cũng phát động đợt thi đua đảm bảo an toàn giao thông 2016-2020.

Giang Huỳnh (antoangiaothong.gov.vn)

A- A A+