Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vẫn còn nhiều thách thức
Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp cùng Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới (WV) tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng “Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020”.
Mỗi ngày có 20 trẻ tử vong do tai nạn
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, tai nạn, thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em ở nước ta. Theo số liệu thống kê, tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở trẻ em ở Việt Nam còn cao so với các nước trên thế giới . Năm 2010 toàn quốc có 7.460 trẻ em và trẻ vị thành niên từ 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích, trung bình mỗi ngày có 20 em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Năm 2013, có 6.498 em bị tử vong, trung bình mỗi ngày còn có khoảng 18 em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
Bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết, tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích trong độ tuổi từ 0-19 tuổi ở Việt Nam giai đoạn 2010-2013 vẫn còn cao so với các nước trên thế giới , cao gấp đôi tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở các nước có thu nhập cao. Đặc biệt, tử vong do đuối nước cao hơn các nước trên thế giới , các nước khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao.
Đánh giá việc triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015, TS. Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống chấn thương, Trường ĐH Y tế công cộng cho biết, tai nạn thương tích xảy ra chủ yếu trong lúc học, vui chơi trong nhà trường, nhà trẻ, đi lại. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn, thương tích thường gặp nhất là ngã, bỏng, tai nạn giao thông . Theo TS. Phạm Việt Cường, chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015 chưa đạt được các mục tiêu về giảm tỷ suất tai nạn thương tích, giảm tỷ suất tử vong, giảm 15% số trẻ bị đuối nước...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng LĐ-TBXH Đào Hồng Lan cho biết: Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phòng, chống, tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích giai đoạn 2002 – 2010 và Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013-2015. Sau 3 năm triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc , Tổ chức y tế thế giới , Tổ chức tầm nhìn thế giới tại Việt Nam,... chúng ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đã được nâng cao hơn.
Những mục tiêu quan trọng
Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, tình hình tai nạn thương tích trẻ em ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, mà những nguyên nhân chính thường là do sự thiếu kiến thức, mà những nguyên nhân chính thường là do sự thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn, các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến, môi trường xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình và cộng đồng, kinh phí cho việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở địa phương còn hạn chế... hầu hết các trường hợp liên quan đến tai nạn thương tích đều phòng tránh được, nếu chúng ta, những người lớn, mỗi cơ quan, mối gia đình quan tâm nhiều hơn nữa cho trẻ em.
Bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết, một số mục tiêu quan trọng đến năm 2020 trong chương trình là giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 600/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích dưới 17/100.000 trẻ em; giảm 10% số trẻ em do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2015; giảm 10% số trẻ em do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2015...
Để đạt các mục tiêu trên, chương trình đề ra các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em; triển khai các hoạt động để phòng, chống đuối nước trẻ em...
Góp ý vào dự thảo chương trình, TS Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hội dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng, việc giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích từ 820/100.000 năm 2015 xuống còn 600/100.000 là hơi cao song có thể thực hiện được nếu nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nguồn lực để thực hiện. Đồng thời, việc giảm tỷ suất tử vong cũng hoàn toàn khả thi vì theo chuỗi số liệu sẵn có đã cho thấy mức độ giảm của những năm trước đó (năm 2010 là 20,8/100.000, giảm xuống còn 18,4/100.000 năm 2013 và năm 2015 còn 17,8/100.000).
Tuy vậy, TS Nguyễn Hải Hữu nhấn mạnh, việc giảm tỷ suất tai nạn thương tích và tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích còn phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp khắc phục các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tai nạn thương tích đối với trẻ em.
Từ việc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình giai đoạn 2013-2015, TS. Phạm Việt Cường cho rằng, cần bổ sung cụ thể phần hỗ trợ kinh phí cho những địa phương vùng sâu, xa, khó khăn; chỉ đạo sát sao của các cấp trong việc bố trí kinh phí hoạt động. Ông cũng đề nghị đưa chỉ tiêu phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em thành chỉ tiêu quốc gia, đánh giá ở tất cả các ngành; đưa chương trình dạy bơi vào thành môn học trong nhà trường...
Từ thực tế trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng, cần thiết phải tiếp tục thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020.