Bất ổn giao thông đường thủy nội địa
Hiện nay, nhiều tàu, thuyền du lịch không đảm bảo các điều kiện an toàn nhưng đã và đang hoạt động công khai trên địa bàn tỉnh ta. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo tàu, thuyền còn hạn chế; công tác quản lý tàu, thuyền và sát hạch thuyền viên chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều chủ tàu hoặc lái tàu thờ ơ, phớt lờ các quy định về an toàn giao thông đường thủy, trong khi chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.
Tỉnh ta có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều bến đò ngang, nhưng việc quản lý các bến đò chưa chặt chẽ, cộng với sự thiếu ý thức bảo vệ hành khách của chủ đò, nên nguy cơ xảy ra tai nạn luôn rình rập.
Qua khảo sát hoạt động vận tải trên toàn tuyến đường thủy nội địa tại Bình Định, chúng tôi không khỏi giật mình khi có rất nhiều phương tiện, bến đò trên các sông, đầm phá, hồ thủy lợi hoạt động tự phát trong điều kiện “ba không” (không phương tiện cứu sinh, chữa cháy; không bằng lái; không đăng ký, đăng kiểm).
Nhiều bất cập
Tại bến đò Vinh Quang 2 đi Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), mỗi ngày có gần 500 lượt khách qua đầm Thị Nại. Thế nhưng, bến chỉ có 2 chiếc đò cũ, cơ sở hạ tầng, phương tiện rất đơn sơ, tạm bợ. Người đi đò hầu như không mặc áo phao.
Ở bến đò Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh), hằng ngày có gần 10 chuyến đò xuôi ngược hồ Núi Một nhưng trên đò cũng không có phao cứu sinh. Là bến tự phát nên cơ sở hạ tầng rất tạm bợ; điểm cập bến là bãi đất trống nằm dưới lòng hồ Núi Một, không có cầu để khách và phương tiện lên, xuống đò.
Có mặt tại bến đò Hàm Tử đi Hải Minh (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) vào ngày 30.6, chúng tôi thật sự lo lắng khi chứng kiến một tàu gỗ chở hơn 20 hành khách, trong đó có khá nhiều học sinh, nhưng tất cả đều không mặc áo phao. Tại bến này, hiện có 37 chiếc tàu đang hoạt động đưa, đón khách, đến nay đã hết hạn kiểm định nhưng chưa đăng kiểm lại. Hầu hết người lái đò không có chứng chỉ nghiệp vụ lái tàu thuyền. Hỏi về điều kiện an toàn giao thông đường thủy, một hành khách tại bến đò Hàm Tử nói tỉnh bơ: “Tui đi có một đoạn đường à, mặc áo phao rườm rà lắm! Mà từ trước đến giờ, tui không mặc áo phao thì có sao đâu?”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, toàn tỉnh có 13 bến đò ngang, nhưng chỉ 2 bến được phép hoạt động là Hầm Hô và hồ Núi Một. Các bến đò đều trong tình trạng hạ tầng không bảo đảm, phương tiện cũ và không được đăng kiểm, kiểm định. Để giảm chi phí, nhiều chủ đò đã tìm cách hạn chế thấp nhất việc mua sắm trang thiết bị bảo đảm an toàn, tiết kiệm đầu tư nâng cấp, sửa chữa phương tiện.
Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (Tuy Phước), thừa nhận: “Xã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra các chủ đò, người điều khiển đò để quán triệt, ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; đồng thời, cấp áo phao cho người đi đò, song nhiều chủ đò vẫn không chấp hành. Trong khi đó, xã không thể cấm hoạt động, bởi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn”.
Mới xử lý được phần ngọn!
Theo Phòng Cảnh sát đường thủy, do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, nên công tác tuần tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát chưa đảm bảo. Đến nay, tỉnh vẫn chưa có điểm phục vụ cho việc hạ tải; đồng thời không có nơi neo đậu, tạm giữ phương tiện vi phạm. Phần lớn các trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các ngành chức năng tỉnh đã phát hiện, xử lý 75 trường hợp vi phạm về Luật Giao thông đường thủy nội địa, với số tiền xử phạt gần
34 triệu đồng.
Đại tá Đỗ Đình Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, CA tỉnh, nêu ý kiến: “Đối với CA các huyện có tuyến đường thủy, phải chỉ đạo các lực lượng CA xã thường xuyên kiểm tra, xử lý bến đò ngang hoạt động không phép; cũng như phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng lái. Đồng thời, hướng dẫn người đi đò mặc áo phao, đeo dụng cụ nổi cá nhân. Kiên quyết đình chỉ đối với bến và phương tiện không đủ điều kiện hoạt động”.
Trong khi đó nói về công tác đăng kiểm, ông Phạm Duy Khánh, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 4, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhìn nhận: “Đơn vị làm công tác đăng kiểm không có quyền bắt giữ phương tiện đi trên sông; không thể ép tổ chức, cá nhân đăng kiểm phương tiện mà chỉ có thể vận động, tuyên truyền. Cần phải làm cho ngư dân hiểu việc đăng ký tàu thuyền không chỉ là quy định bắt buộc của công tác quản lý, mà còn là điều kiện để được tham gia bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi của chính họ và hành khách”.
Xử phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng (Ðiều 27) đối với hành khách đi trên phương tiện chở khách ngang sông (đò, phà) mà không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân (có hình hộp chữ nhật, đeo vào tay). Nghị định 132/NÐ/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016. |
Theo Trọng Lợi (baobinhdinh.com)