BAN ATGT

Giải pháp nào đảm bảo ATGT đường sắt

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Bình Ðịnh có chiều dài 136 km, qua địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố. 6 tháng đầu năm 2015, tuy số vụ và số người chết vì TNGT đường sắt giảm so với cùng kỳ, nhưng với 223 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có nhiều điểm mất an toàn, nguy cơ TNGT vẫn rình rập.

Trong số 223 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, có 22 đường ngang phòng vệ có gác, 19 đường ngang phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động, 25 đường ngang phòng vệ bằng biển báo, 157 đường dân sinh và lối đi trái phép cắt qua đường sắt. Ngoài ra, tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, mật độ người và các phương tiện qua lại ngày càng nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đường sắt. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNGT đường sắt, làm chết 4 người, bị thương 1 người; so với cùng kỳ, giảm 25% số vụ, giảm 36,3% số người chết. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu là do người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông qua các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ không chú ý tàu chạy và không thực hiện theo chỉ dẫn của các biển báo tại các đường ngang không có người gác.

Trước thực trạng này, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc rà soát toàn bộ đường ngang dân sinh tự mở trái phép, xác định những vị trí có thể dựng đường gom tạo lối đi chung để xóa bỏ đường dân sinh cắt qua đường sắt. Hiện ngành chức năng đã cắm 34 biển báo tại 17 đường dân sinh, lối đi; lắp đặt 2 bộ đèn cảnh báo đường bộ (giảm tốc độ); xóa bỏ 6 đường dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT.

Ngoài ra, các cơ quan liên ngành, chính quyền địa phương còn xử lý 24 trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt, tăng cường lực lượng cảnh giới đảm bảo ATGT tại các đường ngang không có gác và lắp đặt giàn chắn động cơ điện tại 2 đường ngang có gác km 1076+450 và km 1085+710.

Tuy nhiên, để giảm thiểu TNGT đường sắt, về lâu dài cần có những giải pháp hiệu quả. Tại buổi làm việc của UBND tỉnh với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về công tác đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây, đại diện các địa phương và ngành chức năng đều phản ánh, chính việc thiếu đảm bảo an toàn tại các tuyến đường ngang là nguyên nhân dẫn đến TNGT đường sắt. Như đường ngang tại km 1069+550 thuộc khu An Kim, thị trấn Ngô Mây nằm trên đường Lê Hoàn, là đường giao thông nối 3 xã phía Tây huyện với thị trấn Ngô Mây và là đường chính từ QL1A đi khu du lịch suối khoáng Hội Vân, có lưu lượng người và phương tiện qua lại rất lớn, nhưng tại đường ngang này không có gác chắn, không có hệ thống cảnh báo tự động. Từ năm 2013 đến nay, tại km này đã xảy ra 3 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 3 người và bị thương 1 người.

Hay huyện Phù Mỹ, hiện có 17 đường ngang qua đường sắt, nhưng nhiều đường ngang không đảm bảo an toàn, tầm nhìn bị che khuất. Như tại km 1053+450, thuộc thôn Trà Bình, xã Mỹ Hiệp, đường ngang là bê tông có mặt đường thấp hơn đường sắt, khi đi qua đường sắt phải lên dốc cao nên người điều khiển phương tiện phải đi tốc độ lớn, nếu gặp tàu rất khó xử lý. Do đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ, kiến nghị: “Ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để địa phương lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động tại các đường ngang, mở rộng các đường ngang qua đường sắt, tạo thông thoáng tầm nhìn, và mở rộng 10 đường dân sinh, lắp đặt biển báo hoặc rào chắn tà vẹt để cấm xe ô tô, công nông qua lại”. 

Ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT, kiến nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng hệ thống cảnh báo tự động, cần chắn tự động tại các đường ngang, tiến hành rà soát để làm đường gom và chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng cho các hộ dân chịu ảnh hưởng của các dự án xây dựng đường ngang; đôn đốc công tác di dời ga Quy Nhơn ra khỏi địa bàn thành phố theo quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

K.A

A- A A+